Trong kinh doanh, khi phải lựa chọn giữa các phương án, các nhà kinh tế luôn xem xét chi phí cơ hội để làm cơ sở để đưa ra các quyết định phù hợp
1. Chi phí cơ hội là gì?
Vì các nguồn lực đều có giới hạn, cho nên mỗi khi cá nhân, doanh nghiệp đưa ra một sự lựa chọn nghĩa là cũng đang đồng thời từ bỏ các cơ hội khác. Các nhà kinh tế học sử dụng thuật ngữ chi phí cơ hội (opportunity cost) để chỉ ra những gì phải từ bỏ khi cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn phương án này mà không lựa chọn phương án khác.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của kinh tế học yêu cầu mọi lựa chọn đều cần đến chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội là những lợi ích mà một cá nhân hay doanh nghiệp bỏ qua khi lựa chọn phương án này thay vì các phương án khác.
Nếu bạn ngủ quên trong lớp học kinh tế của mình, chi phí cơ hội là các kiến thức bạn bỏ lỡ. Nếu bạn chi tiêu thu nhập của mình cho trò chơi điện tử, bạn không thể chi tiêu nó cho phim ảnh. Tóm lại, chi phí cơ hội tồn tại xung quanh chúng ta.
Nếu doanh nghiệp sử dụng 1 tỷ để mua cổ phiếu cho mục đích bán ra kiếm lời khi giá tăng, khi đó doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư 1 tỷ vào mở thêm cửa hàng tại khu vực mới tiềm năng. Giả sử mức độ rủi ro của hai phương án là như nhau, nếu tỷ suất sinh lời cho khoản tiền đầu tư vào phương án mở thêm cửa hàng mới là 10% thì đó chính là chi phí cơ hội của việc đầu tư 1 tỷ vào cổ phiếu.
2. Đặc điểm của chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội là lợi ích có thể có được từ một phương án nhưng lại bị bỏ qua do phương án đó không được chọn.
Chính vì thế, chi phí cơ hội có một số đặc điểm sau:
- Thứ nhất, chi phí cơ hội không phải là các chi phí đã phát sinh. Chi phí cơ hội liên quan đến các lựa chọn của quyết định trong tương lai, do đó, chi phí này chưa xảy ra mà chỉ là của các chi phí cho tương lai được ước tính một cách đáng tin cậy nhất từ các thông tin hiện có.
- Thứ hai, chi phí cơ hội không thể xác định một cách chắc chắn. Do khi xem xét chi phí cơ hội, ta thường xem xét toàn bộ các lợi ích, kể cả các lợi ích không phải bằng tiền. Các lợi ích bao gồm:
- Giá cả: Có lẽ một trong những yếu tố lớn nhất tạo nên lợi ích là giá cả. Vai trò của yếu tố này có thể thay đổi tùy thuộc vào thu nhập. Thông thường, những người có mức thu nhập thấp hơn sẽ có nhiều khả năng chú trọng hơn vào giá cả như một phần của chi phí cơ hội. Ví dụ, ăn sáng ở nhà sẽ rẻ hơn nhưng lại mất công để chuẩn bị. Do đó, đây sẽ là một lựa chọn thuận lợi nếu xét từ khía cạnh giá cả. Hoặc với một doanh nghiệp đúc khuôn, việc mua nguyên vật liệu đồng đã qua sử dụng, có thể tái chế sẽ rẻ hơn nhập khẩu đồng mới nhưng lại phát sinh cần đầu tư cho việc tái chế đồng cũ.
- Thời gian: Mỗi ngày đều chỉ có 24 giờ, và thời gian, tiến độ được coi là một trong những yếu tố ngày càng quan trọng trong kinh doanh. Vì vậy, mỗi quyết định đưa ra đều cần thận trọng cân nhắc yếu tố này.
Ví dụ: có thể ăn sáng ở nhà rẻ hơn, nhưng có đáng để bỏ ra 15 đến 20 phút để nấu nướng cho bữa sáng không? Câu trả lời với mỗi người sẽ khác nhau.
Với một nhà đầu tư chứng khoán có thể có mức thu nhập thay đổi theo từng phút, thì việc bỏ ra 20 phút để nấu nướng có lẽ không tương xứng với những gì mà nhà đầu tư có thể kiếm được trong thời gian đó. Tuy nhiên mặt khác, với một nhân viên văn phòng với mức thu nhập trung bình thì việc dành ra 20 phút để nấu nướng và tiết kiệm được một phần chi phí có thể là lựa chọn hợp lý.
Tiếp tục ví dụ với doanh nghiệp nêu trên, mặc dù việc nhập khẩu đồng mới về đắt đỏ hơn sử dụng nguyên vật liệu tái chế, tuy nhiên nguyên vật liệu nhập khẩu sẵn có hơn, không cần chờ đợi thời gian thu mua, làm sạch. Với áp lực giao hàng nhanh thì thời nhập nguyên vật liệu cũng tạo nên lợi ích cho doanh nghiệp.
- Nỗ lực: Ví dụ, có thể mất thời gian để đến nhà hàng yêu thích của bạn, nhưng cũng cần nỗ lực tìm đường, lái xe hoặc đi bộ đến đó. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc chọn một nhà hàng không phải quá ngon nhưng tiết kiệm thời gian và công sức.
Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy một mặt hàng có giá tốt hơn trên internet nhưng sẽ cần thời gian và công sức để tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá, thu thập các voucher…. Với ví dụ lựa chọn giữa đồng tái chế và đồng nguyên chất, đồng tài chế có giá rẻ hơn, nhưng cần mất thời gian và công sức để xử lý đồng tái chế, kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu.
- Sự tiện ích: Đây thực chất là sự thích thú hay niềm vui mà người tiêu dùng nhận được và là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi phân tích chi phí cơ hội. Người tiêu dùng đều muốn tối đa hóa ‘tiện ích’ của họ, nhưng bị giới hạn bởi các yếu tố khác như thời gian và giá cả.
Ví dụ, người tiêu dùng có thể muốn có một kỳ nghỉ 2 tuần ở Bali, nhưng phải cân nhắc xem liệu họ có thể thanh toán các hóa đơn hay không. Khi thu nhập tăng lên, ảnh hưởng của tiện ích trở nên lớn hơn bao giờ hết, trong khi tác động của giá cả giảm đi. Hoặc tiếp tục với ví dụ lựa chọn mua đồng nguyên chất hay đồng tái chế, việc mua đồng nguyên chất sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn, lợi nhuận giảm đồng thời áp lực thanh khoản cũng cao hơn.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có đủ nguồn lực, đồng thời có thể đàm phán được để bán hàng với mức giá tốt, thì ảnh hưởng của giá cả lại không phải yếu tố quan trọng khi ra quyết định, mà có thể tôn chỉ “luôn cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt nhất” lại là yếu tố được quan tâm nhiều hơn.
Như vậy, ngoài yếu tố giá cả có thể xác định một cách tương đối chắc chắn thì các yếu tố khác như thời gian, nỗ lực hay sự tiện ích rất khó để đo lường và với mỗi đối tượng, trong mỗi trường hợp sẽ có mức độ quan trọng khác nhau.
- Thứ ba, chi phí cơ hội không thể hiện trên các Báo cáo tài chính do Báo cáo tài chính thể hiện các thông tin tài chính trong quá khứ của doanh nghiệp.
- Thứ tư, chi phí cơ hội là một trong những cơ sở cho việc ra quyết định. Do đó, cân nhắc các lựa chọn là cân nhắc các chi phí cơ hội có thể mất đi khi từ bỏ một lựa chọn.
3. Phân loại chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội bao gồm toàn bộ các lợi ích bị bỏ qua bởi việc lựa chọn phương án này thay vì phương án khác. Chi phí này bao gồm chi phí cơ hội hiện hữu (Explicit Opportunity Cost) và chi phí cơ hội ẩn (Implicit Opportunity Cost).
Chỉ tiêu | Chi phí cơ hội hiện hữu | Chi phí cơ hội ẩn |
Khái niệm | Là chi phí trực tiếp của một quyết định, được thể hiện dưới dạng thanh toán trực tiếp bằng tiền | Là chi phí gián tiếp của một quyết định, bao gồm chi phí bỏ qua lựa chọn tốt nhất |
Ý nghĩa | Chi phí hiện hữu là khoản tiền doanh nghiệp trả để sử dụng các nguồn lực đầu vào (như lao động, tư bản) không thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Chi phí này có thể bao gồm tiền lương, tiền thuê nhà, nguyên vật liệu thô… Vì vậy, khi xem xét chi phí cơ hội hiện, ta xem xét các chi phí biểu hiện dưới hình thức tiền tệ và kế toán cần ghi nhận nó như những khoản chi phí khác | Chi phí ẩn là chi phí biểu thị các khoản chi trả để có thể sử dụng các nguồn lực đầu vào thuộc sở hữu của chính doanh nghiệp. Chi phí ẩn biểu thị khi sử dụng nguồn lực của mình tức là doanh nghiệp đã hy sinh đi khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể kiếm được bằng cách cho thuê hay bán nguồn lực đó cho người khác. |
Ví dụ | Ví dụ: Giả sử một doanh nghiệp thuê một nhân viên mới với mức lương 200 triệu VND mỗi năm. Khi sử dụng nhân viên đó, mỗi năm doanh nghiệp mất 200 triệu chi phí cơ hội hiện hữu. | Ví dụ: Khi một doanh nghiệp sử dụng một lô đất thuộc sở hữu của mình làm nhà xưởng, doanh nghiệp mất cơ hội cho thuê lô đất đó. Vậy thu nhập từ cho thuê lô đất đó chính là chi phí cơ hội ẩn của việc xây nhà xưởng. |
(*) Theo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân – Nguyễn Văn Ngọc (2012)
Một ví dụ để thấy rõ sự khác biệt của hai chi phí trên như sau:
Trong trường hợp doanh nghiệp sở hữu một lô đất như trên đề cập, giả sử, nếu xây dựng nhà kho, chi phí để xây dựng sẽ khoảng 5 tỷ, nhà kho sử dụng trong 8 năm. Tuy nhiên, nếu công ty cho thuê quyền sử dụng lô đất, thu từ cho thuê mỗi năm 600 triệu, đồng thời, chi phí để đi thuê một nhà kho khác để sử dụng sẽ vào khoảng 480 triệu/1 năm. Vậy trong trường hợp này, chi phí cơ hội của việc giữ đất để đầu tư xây dựng nhà kho gồm:
- Chi phí cơ hội hiện chính là chi phí xây dựng nhà kho: 5 tỷ VND
- Chi phí cơ hội ẩn chính là khoản thu nhập của việc cho thuê đất bị bỏ qua: 600 triệu x 8 = 4.8 tỷ VND
Tổng chi phí cơ hội của lựa chọn xây dựng nhà kho:
= Chi phí cơ hội hiện + Chi phí cơ hội ẩn
= 5 tỷ + 4.8 tỷ = 9.8 tỷ VND
4. Cách tính chi phí cơ hội chi tiết
Chi phí cơ hội cũng có thể được xác định bằng công thức sau:
Chi phí cơ hội (OC) = FO – CO
Trong đó:
- FO: Return on best-forgone option – Lợi ích từ phương án tốt nhất bị bỏ qua hay chính là chi phí ẩn (đã đề cập ở mục 3)
- CO: Return on chosen option – Lợi ích từ phương án được chọn hay chính chi phí hiện (đã đề cập ở mục 3).
Công thức tính chi phí cơ hội chỉ đơn giản là sự khác biệt giữa lợi nhuận kỳ vọng của mỗi lựa chọn. Như đã nói ở trên, ngoài lợi ích hiện bằng tiền, thì có những lợi ích khác không bằng tiền như thời gian, sự nỗ lực hay tiện ích. Nếu các yếu tố này có thể đo lường được bằng tiền thì cần đưa vào công thức trên để tính toán.
Áp dụng với ví dụ doanh nghiệp xem xét giữa tự xây nhà kho và đi thuê nhà kho ở trên, giả định các chi phí khác là không thay đổi giữa 2 phương án, chi phí cơ hội của việc xây dựng nhà kho sẽ gồm:
- FO: Lợi ích từ việc cho thuê quyền sử dụng đất – lựa chọn đang dự định bỏ qua:
600 triệu x 8 = 4.8 tỷ VND
- CO: Lợi ích từ lựa chọn được chọn – xây dựng nhà kho là: (-5 tỷ) (do chỉ có chi phí mất đi, mà không có thu nhập được tạo ra)
Chi phí cơ hội = FO – CO = 4.8 tỷ – (-5 tỷ) = 9.8 tỷ VND
5. Nguyên tắc áp dụng trong thực tế để nắm bắt cơ hội
Chi phí cơ hội cho biết lợi ích bị mất đi nếu từ bỏ một lựa chọn. Do đó, đây là một công cụ làm cơ sở cho việc ra quyết định. Tuy nhiên, việc sử dụng chi phí cơ hội trong việc lựa chọn các phương án cũng có những ưu điểm và nhược điểm mà người ra quyết định cần nắm được để ra quyết định hợp lý.
- Ưu điểm của chi phí cơ hội: giúp cho cá nhân, doanh nghiệp quyết định dễ dàng khi so sánh lợi ích của mỗi phương án, từ đó có cơ sở để ra quyết định.
- Nhược điểm của chi phí cơ hội:
- Về mặt thời gian: Để xác định được chi phí cơ hội, cần có thời gian để tìm kiếm thông tin, nghiên cứu các khía cạnh của các lựa chọn, so sánh những vấn đề khác nhau. Trong trường hợp, người ra quyết định buộc phải đưa ra lựa chọn nhanh chóng thì không thể sử dụng công cụ này.
- Khó xác định các chi phí kế toán: Một số chi phí cơ hội là chi phí định lượng, lại xảy ra trong tương lai, khó có thể xác định giá trị bằng tiền. Vì vậy, chi phí này sẽ không được đưa vào bảng tính toán của các doanh nghiệp, và các chi phí này chỉ mang tính chính xác một cách tương đối.
Chi phí cơ hội là một công cụ hữu ích cho việc ra quyết định, tuy nhiên, công cụ này cũng có những nhược điểm dẫn đến không phải lúc nào cũng có thể sử dụng trong việc ra quyết định, nhất là khi việc ra quyết định không chỉ căn cứ vào chi phí. Vì vậy, muốn nắm bắt mọi cơ hội trong kinh doanh, trước hết doanh nghiệp cần hiểu rõ mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới là gì. Mục tiêu giống như la bàn giúp doanh nghiệp không lạc lối giữa quá nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, để sử dụng nó tốt cần biết được mức độ ưu tiên trong mục tiêu, kế hoạch kinh doanh để các lựa chọn được đưa ra đúng lúc và phù hợp nhất. Bên cạnh việc có mục tiêu rõ ràng, khi đứng trước các lựa chọn, chủ doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ mọi vấn đề từ mọi khía cạnh để có cái nhìn đầy đủ nhất về các lựa chọn, từ đó đưa ra đánh giá sáng suốt để có một lựa chọn đúng đắn.
Trên đây là những hiểu biết thông tin cơ bản về chi phí cơ hội. Qua bài viết này, Cộng Đồng CEO Việt Nam hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về cách tính, ý nghĩa của chi phí cơ hội cũng như vận dụng được những kiến thức này để ra những quyết định đúng đắn.
COMMENTS